CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
UBND xã
2024-04-26T03:40:15-04:00
2024-04-26T03:40:15-04:00
https://nghiatrung.budang.binhphuoc.gov.vn/van-hoa-xa-hoi/cai-cach-hanh-chinh-60.html
/themes/binhphuocxa/images/no_image.gif
Xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng
https://nghiatrung.budang.binhphuoc.gov.vn/uploads/quochuy.png
Chủ nhật - 07/04/2024 06:32
Mục tiêu chính của cải cách hành chính là xây dựng một nền hành chính dân chủ, hiện đại, đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực để quản lý có hiệu lực, hiệu quả các công việc của Nhà nước, làm đòn bẩy hữu hiệu để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cải cách hành chính là quá trình chuyển đổi, không chỉ gồm một vài cải tiến cục bộ, mang tính kỹ thuật mà thường liên quan đến những vấn đề cơ bản của hệ thống thể chế, tổ chức bộ máy và quản lý nguồn nhân lực của nền hành chính. Cải cách hành chính vừa có tính cấp bách vừa có tính phức tạp, lâu dài nên phải triển khai thường xuyên, liên tục. Có thể mục tiêu cơ bản không thay đổi nhưng cách thức cải cách hành chính phải linh hoạt theo sự biến đổi của tình thế. Nội dung tổng thể của cải cách hành chính phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, theo một chiến lược toàn diện, nhất quán, có sự chỉ đạo thống nhất từ trung ương tới cơ sở, với bước đi vững chắc, có trọng tâm, và phương pháp làm điểm, nhân rộng khoa học để tránh gây xáo động, mất ổn định chính trị - xã hội.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức, đủ tài và tâm huyết nghề nghiệp luôn là vấn đề mang tính đường lối chiến lược, xuyên suốt trong cả quá trình cách mạng. Đây thực chất là chiến lược phát huy yếu tố con người nói chung và tăng cường năng lực quản trị quốc gia nói riêng, là điều kiện đặc biệt quan trọng bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Cải cách hành chính đã trở thành yêu cầu chung của phần lớn các nước trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển, có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam. Mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa cải cách hành chính và đổi mới kinh tế là tất yếu trong tổng thể đổi mới đất nước. Sự gắn bó ấy diễn ra trên nhiều mặt, đòi hỏi một loạt các biện pháp cải cách liên hoàn về hoàn thiện hệ thống thể chế, thực hiện quản lý theo pháp luật, tái tổ chức hệ thống các cơ quan hành chính, và tăng cường năng lực cho cán bộ, công chức để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính không chỉ để hoàn thiện nền hành chính nhằm thích ứng với kinh tế thị trường mà còn phải tạo động lực đổi mới kinh tế, tận dụng được những thời cơ quý báu trong tiến trình hội nhập toàn diện hiện nay. Đổi mới kinh tế và cải cách hành chính phải xuất phát từ thực tiễn Việt Nam; đồng thời, kế thừa có chọn lọc các mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới, từ đó, huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc để phát triển đất nước.